Xung đột gia đình mùa dịch: Quản lý cảm xúc để tránh ảnh hưởng tiêu cực con trẻ

Ngày đăng: 28/06/2021

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng, đại dịch Covid -19 là “chất xúc tác“ khiến cho các xung đột, mâu thuẫn sẵn có trước đó của vợ chồng lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, không phải không có những giải pháp cho câu chuyện gia đình này.

Empty

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2021 hướng đến chủ đề “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc” thông qua các thông điệp như: “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc… giúp mỗi gia đình nhìn lại cuộc sống của chính họ để trân trọng hơn những giá trị.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề và cũng từ đó gia đình bộc lộ ra nhiều điểm cần nhìn nhận để hạnh phúc hơn, bình an hơn.

Nhân dịp này, Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Chuyên gia Tâm lý Hoàng Hải Vân về những giải pháp xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trước những áp lực mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Bai01

– Thưa chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hiện nay các gia đình phải chịu những tác động và áp lực như thế nào?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân:Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành khắp thế giới gây nên những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, tài chính, sức khỏe và các vấn đề rối loạn tâm thần, bệnh trầm cảm…

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập phần lớn hộ gia đình, đặc biệt những gia đình có thu nhập trung bình -thấp là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh khủng hoảng bởi Covid-19.

Bai00

Bên cạnh áp lực điều chỉnh thói quen chi tiêu, là những thử thách trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày khi trường học đóng cửa, trẻ chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhiều phụ huynh cảm thấy bị quá tải vì vừa phải ở nhà làm việc online, vừa phải lo việc nhà, nấu nuớng và chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cùng với đó là hàng loạt những nỗi ám ảnh, lo sợ về dịch bệnh làm sao để bảo vệ mình và gia đình được an toàn… khiến nhiều người cảm thấy áp lực, căng thẳng cực độ.

Không có cách tích cực để giải quyết, nhiều người chỉ biết giải tỏa căng thẳng bằng cách trút giận lên nửa kia. Theo đó tỷ lệ ly hôn tăng đột biến chủ yếu do vấn nạn bạo hành gia đình trong thời gian phong tỏa.

– Như chuyên gia nói và nhiều thông tin cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, sự mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình tăng lên một cách rõ rệt dẫn đến tình trạng rạn nứt, đổ vỡ hôn nhân cũng gia tăng. Cụ thể, theo chuyên gia, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân:Hiện tại chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam trong trận đại dịch này, tuy nhiên tại nhiều quốc gia Châu Á và trên thế giới đã ghi nhận số vụ ly hôn gia tăng đột biến do chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cuộc sống hiện đại làm con người luôn tất bật, bận rộn với công việc và những buổi tiệc tùng miên man, những chuyến du lịch, mua sắm phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ… khiến mỗi người gần như bỏ qua những vấn đề vướng mắc,khó khăn trong mối quan hệ vợ chồng.

Bai03

Lệnh phong tỏa, cách ly xã hội nhanh chóng được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Và khi phải đối diện với nhau 24/7 trong bốn bức tường ngột ngạt một thời gian dài,họ bắt đầu nhận ra các giá trị vợ chồng không tương thích dẫn đến kỳ vọng khác nhau.

Áp lực của dịch bệnh nhắc nhở họ cuộc sống ngắn ngủi cũng là lúc mỗi người nhìn nhận lại bản thân mình là ai, muốn gì trong cuộc sống và đánh giá lại con đường mà họ muốn dành cho nhau trong phần còn lại của cuộc đời.

Tuy nhiên tình trạng căng thẳng lo âu quá mức cũng được ghi nhận ở cả những cặp vợ chồng hạnh phúc, vốn không có trục trặc gì trước dịch bệnh xảy ra. Điều này cho thấy đại dịch bùng phát làm đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống, đã lấy đi các thói quen được thiết lập để mang đến sự cân bằng, thoải mái và vui vẻ.

Thay vào đó là nỗi lo sợ, ám ảnh bởi dịch bệnh, áp lực tài chính, việc nhà phân chia không công bằng, trách nhiệm đối với con trẻ và việc thiếu hụt không gian riêng tư đã trở thành giọt nước tràn ly khiến cho những bất đồng, mâu thuẫn leo thang nguy hiểm.

Bai02

– Ngoài vấn đề trên thì những xung đột phát sinh trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thời điểm diễn ra dịch bệnh cũng là một trong những điều đáng lưu ý. Vậy những vướng mắc trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thường gặp phải là gì?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân:Đại dịch Covid-19 và những biện pháp can thiệp “không dùng thuốc” như đóng cửa trường học, tạm hoãn các hoạt động xã hội hoặc trẻ bị tách khỏi bạn bè khiến cuộc sống hàng ngày của trẻ bị xáo trộn nặng nề.

Thời điểm này, trẻ có thể phản ứng với sự thất vọng, căng thẳng theo nhiều cách khác nhau như trở nên đeo bám, sợ hãi, thu mình lại hoặc tỏ ra tức giận, bướng bỉnh, chống đối không nghe lời bố mẹ.

gia dinh mua dich (2)

Điều đó sẽgóp phần làm phát sinh mâu thuẫn, xung đột giữa bố mẹ và con cái trong việc thiết lập các thói quen sinh hoạt mới, chăm sóc và giáo dục trẻ, làm sao để con không sa đà vào nghiện game, YouTube…

Hầu hết chúng ta nhận thức được đây là lúc trẻ cần được bố mẹ yêu thương và hỗ trợ hơn bao giờ hết nhưng không ít bố mẹ thừa nhận rằng, bởi tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, đã lớn tiếng la mắng, quát nạt con với số lần nhiều hơn bình thường.

Việc bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng hay tức giận khi một cuộc khủng hoảng đang xảy ra là bình thường nhưng tôi khuyên bạn nên cố gắng tìm cách quản lý cảm xúc của mình, đặc biệt không để điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

gia dinh mua dich (3)

-Vậy chúng ta cần làm gì để ngăn chặn, giải quyết những mâu thuẫn, đổ vỡ trong gia đình thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân:Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng toàn diện trầm trọng, nhất là về kinh tế và hệ lụy cuối cùng sẽ là bất ổn hôn nhân gia tăng.Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp giải quyết những mâu thuẫn bất đồng, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ hôn nhân trong thời gian dịch bệnh.

– Hạn chế đọc những tin tức tiêu cực, độc hại về dịch bệnh và cùng nhau thiết kế thời gian biểu cho mỗi người trong gia đình để vượt qua những ngày dịch. Bao gồm thu xếp không gian phù hợp khi phải làm việc tại nhà, chia sẻ việc nhà và trách nhiệm chăm sóc trẻ. Rất quan trọng nếu bạn có thể trao đổi với nhau bằng thái độ tích cực, kiên nhẫn và chú tâm lắng nghe.

– Mùa dịch phòng gym, các lớp tập Yoga không hoạt động. Tuy nhiên bạn có thể thực tập đi bộ vào buổi sáng sớm kết hợp với tận hưởng thiên nhiên không chỉ tăng cường sức khỏe còn giúp giảm nồng độ Cortisol-một loại hooc-môn gây nên tình trạng căng thẳng, rối loạn lo âu. Đừng quên rủ vợ hoặc chồng của bạn tham gia cùng.

– Trong bối cảnh các rạp chiếu phim, nhà hàng bị đóng cửa, sự lựa chọn của bạn vô cùng hạn chế, vậy thì hãy lên kế hoạch hẹn hò tại nhà. Bạn có thể cùng nhau vào bếp nấu một bữa ăn thật chất lượng. Giữa không gian ấm áp với ánh sáng vừa đủ, những bản nhạc Ballad nhẹ nhàng và ly rượu vang trên tay…tất cả tạo nên một buổi hẹn hò lãng mạn và thú vị sẽ giúp bạn vun đắp tình cảm vợ chồng trong những ngày này.

– Nếu thành viên trong gia đình có những biểu hiện căng thẳng lo âu quá mức thay vì phản ứng cảm xúc hãy đáp lại bằng sự cảm thông, lắng nghe nỗi lo lắng của họ và dành cho họ thêm sự quan tâm và tình yêu thương.

– Đặc biệt, không nên lạm dụng rượu bia, các chất kích thích để đối phó với cảm xúc của mình. Nếu bạn cảm thấy quá tải, hãy chia sẻ, trò chuyện với những người bạn tin cậy, bạn bè, gia đình hoặc bác sỹ, chuyên gia tâm lý có thể giúp xử lý tình trạng này.

– Xin cám ơn chuyên gia!

Hải Nam (Thực hiện)