Từ vụ nam sinh gây chết người, khai làm theo game: Giải mã “ma thuật” của game

Ngày đăng: 14/06/2020

Nghiện game gây ra những thay đổi hoạt động thần kinh giống như nghiện ma túy, rượu,…

Tuần qua, vụ việc nam sinh Đ.N.H (17 tuổi; trú xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trói, bịt miệng và giấu H.T.V.Đ (5 tuổi, trú cùng địa phương) trong một căn nhà hoang khiến em Đ. tử vong, đã gây xôn xao dư luận. Theo lời khai ban đầu của H., H. có hành vi như trên là do ảnh hưởng từ trò chơi điện tử (game). Hiện, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án giết người này.

Từ vụ nam sinh gây chết người, khai làm theo game: Giải mã "ma thuật" của game - 1

Căn nhà hoang nơi H. nhốt cháu Đ.

Thực tế không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra khi trẻ em, thanh thiếu niên hành xử theo những thử thách trong game gây hậu quả nghiêm trọng. Như cách đây 2 năm, game Blue Whale (Cá voi xanh) có liên quan đến cái chết của hàng trăm bạn trẻ trên khắp thế giới. Một trường hợp điển hình là tại Andheri (vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố Mumbai, Ấn Độ), một cậu bé 14 tuổi đã tử vong do nhảy khỏi sân thượng để làm “nhiệm vụ cuối cùng” của trò chơi, theo Huffington Post.

Nghiện game như nghiện ma túy

Từ những vụ việc trên, “nghiện game” đã trở thành một vấn nạn đáng báo động trong toàn xã hội. Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội), nghiện game hay còn gọi là rối loạn chơi game online là một trong những rối loạn hành vi xung động. Đây là một chứng nghiện hành vi tương tự như nghiện cờ bạc, gây ra những thay đổi hoạt động thần kinh giống như nghiện ma túy, rượu,… Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng: Các nhà sản xuất game đều tối ưu hoá lợi nhuận bằng cách thiết kế các yếu tố gây nghiện, để cuốn hút người chơi dựa trên một số thủ thuật tâm lý. Điển hình là mô phỏng lại “cơ chế khen thưởng” có sẵn trong não bộ, bằng cách liên kết các nhiệm vụ với những phần thưởng hấp dẫn tạo hiệu ứng đặc biệt với người chơi.

“Khi đó, não sẽ tiết ra một lượng dopamine cao làm cho người chơi có cảm giác phấn khích, vui vẻ, dễ chịu. Sau một vài trải nghiệm với cảm giác này, người chơi sẽ muốn chơi tiếp và chinh phục các nhiệm vụ khó hơn với các phần thưởng hấp dẫn hơn, khiến não sản sinh tiếp dopamine. Dần dần, người chơi bị lệ thuộc một cách vô thức, mê đắm trong thế giới online”, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân lý giải cơ sở khoa học của nghiện game.

Theo vị chuyên gia này, điều đáng tiếc có thể xảy ra khi người nghiện game không được đáp ứng, khiến nảy sinh cảm giác bức rứt, khó chịu, thèm khát… Và họ sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu chơi game bất chấp hậu quả tiêu cực, thậm chí tự đẩy mình vào con đường phạm tội.

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý 247) cũng phân tích những tác động tiêu cực của việc chơi game. Theo đó, “chỉ số cảm xúc” và “chỉ số vận động” của người chơi game thường thấp hơn nhiều so với những những người không chơi game.

“Trong quá trình tư vấn gần 10 năm, tiếp xúc với hàng nghìn bạn trẻ chơi game và nghiện game, tôi phát hiện ra một điều chung là cảm xúc của các con rất thấp. Trước những tình huống như bố mẹ, ông bà, người thân, bạn bè ốm đau thì những đứa trẻ không cảm thấy lo lắng, thương sót, thậm chí có những trẻ vô cảm với điều đó”, ông Thắng báo động về một thực tế đang xảy ra.

“Đáng báo động hơn cả là một số game có hình ảnh bạo lực, những cảnh giết chóc, đâm chém, bắn giết hết sức ghê rợn, gây kích động cho người chơi”, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng cảnh báo thêm.

Có nên cấm tuyệt game?

Để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự trong tương lai, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân khuyến cáo, ranh giới của việc chơi game để giải trí và nghiện game khá mong manh. Nếu lơ là, chơi game sẽ gây tác động khủng khiếp, nhất là ở lứa tuổi học sinh.

Cách bảo vệ trẻ hiệu quả nhất không phải là cấm đoán. Thay vào đó, bố mẹ nên tìm hiểu về loại game con đang chơi để loại trừ game có yếu tố bạo lực, nội dung không phù hợp và quản lý thời lượng chơi của con thông qua các ứng dụng giáo dục trên thiết bị số.

“Bố mẹ có thể mô phỏng cơ chế khen thưởng phiên bản đời thực áp dụng đối với trẻ. Ví dụ trẻ hoàn thành tốt các bài tập hằng ngày sẽ được chơi game 30 phút hoặc vào cuối tuần”, chuyên gia tâm lý chia sẻ cách kiểm soát thời gian trẻ chơi game.

Từ vụ nam sinh gây chết người, khai làm theo game: Giải mã "ma thuật" của game - 3

Chơi game có hình ảnh bạo lực sẽ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ nhỏ.

Trẻ ở tuổi teen thường dễ bị sa đà vào game. Do đó, theo bà Vân, bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, tâm sự cùng con. Thông qua đó, dạy trẻ kỹ năng nhận diện cám dỗ, làm chủ cảm xúc và cách vượt qua. Nếu con gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi chơi game, tùy theo mức độ, phụ huynh có thể trao đổi với nhà trường hoặc tìm đến bác sỹ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn giúp đỡ.

Còn theo chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, dù game có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa quốc gia nào trên thế giới cấm tuyệt game cả. Thay vào đó, những nước phát triển họ kiểm soát nội dung game rất khắc khe: Những game có tính giáo dục đạo đức, giải trí lành mạnh, phát triển trí tuệ được ủng hộ; còn game gây bạo lực, khiêu dâm ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các con để kinh doanh sẽ bị cấm tuyệt đối.

Do đó, ông Thắng kiến nghị: Các cơ quan quản lý game cần thực hiện hiểu quả hơn trong công tác kiểm soát những game nào được chơi, những game nào cấm. Với những game vi phạm cần có mức phạt nặng, đủ sức răn đe cho những đối tượng có ý định kinh doanh game không lành mạnh – đây là một yếu tố lọc đầu vào rất quan trọng để tạo ra môi trường game giải trí cho các con.

“Song song đó, cơ quan quản lý game cần có quy định rõ ràng về thời gian, khung giờ hoạt động của game, thay vì hiện nay 24h/24h. Về phía nhà trường và gia đình, cần phối hợp với nhau cho trẻ tham gia thêm những môn thể thao giải trí khác như đá bóng, cầu lông, bơi lội… để tăng chỉ số vận động cho các con”, ông Thắng nói.