GD&TĐ – Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu có vẻ như càng gay gắt mỗi độ Tết đến Xuân về, vậy nên xử lý thế nào đây?
Cả năm bận rộn, Tết là dịp để gia đình trở về đoàn viên, sum vầy bên nhau cùng chào đón một năm mới tốt lành. Tuy nhiên đây cũng là “giờ cao điểm” bùng nổ các tranh cãi như mua sắm Tết thế nào, ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, quà biếu… hoặc chuyện mâm cỗ ngày Tết cũng là nguyên nhân khiến vợ chồng mâu thuẫn, mẹ chồng con dâu “cơm không lành canh không ngọt” như trường hợp của Bích Trâm, 29 tuổi ở Hà Nội.Trâm là tiếp viên hàng không, tính chất công việc bận rộn, ngày lễ, Tết thường vẫn phải đi bay. Mỗi khi cô đi công tác, việc ăn uống mấy bố con Huy tự lo cho nhau, hoặc chạy qua nhà ông bà nội cách vài cây số. Ngày thường thì sao cũng được nhưng Tết đến lại âm ỉ mâu thuẫn cũng vì chuyện này. Bố chồng Trâm vốn là cháu đích tôn của dòng họ vì vậy cỗ bàn ngày Tết bao giờ cũng cầu kỳ và phức tạp. Mẹ chồng hầu như không bỏ qua một thủ tục lễ nghi truyền thống nào. Đặc biệt bà chú trọng đến việc làm cỗ, cơm cúng trong 3 ngày Tết. Lúc nào cũng phải đủ 14 món bao gồm: Sáu bát (măng nấu chân giò, canh bóng thả, miến nấu lòng gà, mọc nấm thả, mực nấu, chim hầm hạt sen) và tám đĩa (gà luộc, nem rán, giò lụa, xôi gấc, bánh chưng, thịt đông, lòng gà xào củ quả, tôm chiên) thịnh soạn, đầy đủ sắc hương vị. Ngay cả bánh chưng bà cũng tự gói lấy dù tuổi đã cao. Là con dâu trưởng nên Trâm phải cáng đáng cùng mẹ chồng. Mọi năm tầm này cứ đi bay về, vừa kịp thay bộ áo dài đồng phục tiếp viên là cô lại lao vào bếp, đầu tắt mặt tối. Có điều trước giờ Trâm vốn hơi đoảng chuyện bếp núc, công việc lại bận rộn khiến cô không thể nào chu toàn trách nhiệm với khối lượng hỗ lốn, chi tiết cầu kỳ như vậy. Thế là mẹ chồng có lý do “than phiền”, cô em dâu thì bóng gió Trâm lấy lý do đi bay để đùn đẩy việc nhà. Lời ra tiếng vào, mẹ chồng-con dâu, chị em dâu lại có thái độ “bằng mặt không bằng lòng” với nhau. “Cứ nghĩ chuyện chuẩn bị Tết, cỗ bàn này kia tôi lại cảm thấy căng thẳng, áp lực. Bây giờ người ta “chơi” Tết đâu còn quan trọng ăn Tết nhưng mẹ chồng tôi cứ giữ nề nếp cũ “mâm cao cỗ đầy” mới là tốt. Bà vất vả đã đành, dâu con trong nhà cũng mệt theo, mà thực tế dọn ra có ai ăn mấy đâu. Một phần vì mấy món ngày Tết khá nhiều đạm, dầu mỡ nên ai cũng ngán, không ăn được nhiều, phần vì đồ ăn quá nhiều, ăn không hết lại cất tủ lạnh đến bữa sau ăn lại. Thành ra, thức ăn cứ hâm đi hâm lại, đã ngán lại càng chán hơn”, Trâm thở dài tâm sự với chuyên gia tâm lý.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội), người tư vấn cho trường hợp của Trâm chia sẻ: Thật ra mẹ chồng Trâm không phải quá khắc khe, yêu cầu cao đối với con dâu. Bình thường Trâm đi bay thường xuyên vắng nhà, việc nhà cửa, ăn uống hầu như phó mặc cho chồng con tự lo. Thông cảm con dâu bận việc, bà vẫn nấu cơm cho hai bố con để không phải ra hàng quán. Một năm chỉ có mấy ngày Tết, bà mong muốn các cô con dâu về quây quần cùng mẹ chồng làm mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên đây là truyền thống tốt đẹp nên giữ gìn. Có thể Trâm chưa được đảm đang như mẹ chồng kỳ vọng nhưng chỉ cần thiện chí, để ý chịu khó học hỏi thì sẽ được ghi nhận. Việc chuẩn bị Tết, làm cỗ sẽ không còn là áp lực nếu Trâm có sự chủ động thu xếp từ trước như trao đổi, bàn bạc với mẹ chồng và em dâu những gì cần làm, rồi lên một danh sách và phân chia việc cụ thể/phù hợp cho mỗi người… “Tuy vậy, việc cỗ bàn cũng cần tránh quá câu nệ hình thức dẫn đến lãng phí không cần thiết và ảnh hưởng đến sức khỏe. Những ngày cuối năm dịch bệnh Hà Nội diễn biến phức tạp, không còn nặng nề chuyện đoàn viên, mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Gia đình có thể nhân cơ hội này thuyết phục mẹ tinh giản mâm cỗ…”, nữ chuyên gia nói. Sau khi làm theo như chuyên gia tư vấn, Trâm phấn khởi cho biết năm nay bánh mứt cô đặt của một chị bạn đồng nghiệp nhà chuyên làm mứt Tết nổi tiếng. Gà thì mua của người quen ở quê đảm bảo sạch, an toàn. Cô chỉ phụ trách làm món sở trường bắp bò ngâm mắm, tai lợn chua ngọt ăn chống ngán. Ngày được nghỉ bay, Trâm tranh thủ dọn dẹp nhà, rồi qua phụ mẹ chồng gói bánh chưng. Hai bố con Huy thì đảm nhận trách nhiệm trông nồi bánh. Có em dâu đứng bếp chính, sau cùng Trâm chỉ còn việc cuốn nem để cho vào tủ lạnh dự trữ. “Nhờ học mẹ chồng bây giờ tôi biết cách cuốn nem sao cho đều đẹp, rán cực giòn để cả tiếng không bị mềm…”, Trâm cười rồi nói tiếp. Theo đó, tình hình năm nay chỉ có bữa cơm tất niên ngày 29 Tết và một mâm cỗ ngày mùng 1. Trước đây, nói đến Tết là những ngày mẹ chồng con dâu căng mình với mâm cao cỗ đầy không sao dứt ra khỏi bếp nhưng năm nay chỉ là bữa cơm thân mật với món ăn truyền thống bày biện đơn giản nhưng vẫn trọn vẹn ý nghĩa. Đêm giao thừa cả nhà ngồi quây quần bên nhau hàn huyên chia sẽ chuyện vui buồn năm cũ… Nhờ vậy mẹ chồng tôi cũng đỡ hẳn vất vả, cả nhà cũng thoải mái, vui khỏe đón Tết. Năm nay nhà ít việc, nên sau khi cúng Tất niên xong, gia đình cậu em chồng đưa nhau về quê ngoại ở Bắc Giang. Xem chừng em dâu phấn khởi ra mặt vì 4 năm rồi mới được đón Tết nhà ngoại. Tôi cũng vui cho cô ấy…, Trâm mỉm cười kết thúc câu chuyện.