Con nhìn thấy bố đánh mẹ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Ngày đăng: 26/12/2019

bài gốc trên 24h

Con nhìn thấy bố đánh mẹ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh chị Lý (SN 1992, trú ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đang bế trên tay con gái 2 tháng tuổi, bị chồng là Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987) đánh ngã nhiều lần. Sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Long Biên đã tạm giữ hành chính đối với Nguyễn Xuân Vinh để điều tra.

“Cảm thấy phẫn nộ”

Sau khi xem clip vụ việc, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân bình luận: “Là một chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình, cũng là một người mẹ tôi cảm thấy phẫn nộ khi xem đoạn clip người chồng võ sư đánh vợ mới sinh con. Vợ chồng chung sống không tránh khỏi những lúc “bát đũa xô nhau” nhưng dùng bạo lực, nắm đấm để giải quyết vấn đề đó là hành xử cực đoan, cần phải lên án. Theo tôi, gốc rễ của những hành vi bạo lực gia đình như thế này là muốn củng cố quyền lực, nhu cầu kiểm soát, điều khiển người khác”.

Người vợ cho biết, anh Vinh từng có tiền sử bạo hành vợ nhiều năm khiến vợ chồng ly hôn, nhưng rồi họ quay trở lại sống chung và mới sinh thêm em bé. Từ thông tin này, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân đánh giá, việc người vợ chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng trong trường hợp này là không đúng.

“Có thể mối quan hệ vợ chồng họ từng có giai đoạn tốt đẹp khiến cô ấy tin rằng làm vậy có thể “cảm hoá” được đối phương, và rồi cô ấy bị mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn chu kỳ bạo hành – hối lỗi – viện cớ – im lặng – lại bạo hành. Thực tế cho thấy, những kẻ bạo hành lợi dụng tâm lý yếu đuối, sợ hãi, nói ra sợ xấu mặt… của nạn nhân khiến cho hành vi lạm dụng ngày càng leo thang, thậm chí có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc”, bà Vân phân tích.

Tương tự, ông Lê Văn Thắng – Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý 247 cho biết, hành vi của con người sẽ được thực hiện để đáp ứng một trong ba nhu cầu chính của mỗi người, đó là cơ thể, cái tôi hoặc điều đúng (lòng tự trọng). Với đoạn clip đang được chia sẻ, ông Thắng cho rằng, hành vi đánh vợ của người chồng hoàn toàn là vì “cái tôi” quá lớn của người chồng, thể hiện qua câu nói “Nhà này không có nóc à? Mày đã xin phép tao để chuyển tivi chưa?”.

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng.

Bạo lực gia đình ảnh hưởng thế nào đến trẻ nhỏ?

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, bạo lực gia đình có ảnh hưởng tâm lý vô cùng nghiêm trọng lên nạn nhân dẫn đến bị sang chấn về tâm lý và thực thể. Nạn nhân bị bạo hành có thể phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, hoảng sợ và các vấn đề về sức khỏe thể chất.

Bên cạnh đó, để trẻ tận mắt chứng kiến những hình ảnh bạo lực gia đình sẽ để lại di chứng trong tiềm thức và tâm lý hành vi của trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe, và việc hình thành phát triển nhân cách. Chúng có xu hướng lặp lại hành động lạm dụng/bị lạm dụng của bố mẹ.

Xét ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng cho biết: Tất cả những gì chúng ta “nhìn thấy, nghe thấy” từ nhỏ đều được lưu trữ trong não bộ, và chúng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới sự phát triển của mỗi đứa trẻ. Ông Thắng cho biết, ông nhìn thấy sự sợ hãi của cậu con trai trong clip khi chứng kiến bố đánh mẹ mình. Em bé 2 tháng tuổi tuy chưa biết chuyện gì đang xảy ra nhưng những âm thanh tranh cãi, những tiếng kêu của người mẹ, bầu không khí đó đều tác động trực tiếp lên các con. Đó cũng là mầm mống cho đứa trẻ sau này trở thành người có xu hướng bạo lực.

Thực tế quá trình tham vấn trực tiếp tại Trung tâm tư vấn tâm lý 247 những năm qua, ông Thắng đã tiếp xúc không ít thân chủ ở độ tuổi trưởng thành và họ thú nhận đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lúc nhỏ chứng kiến ba mẹ mâu thuẫn. Hành vi của họ có xu hướng lặp lại giống với ba mẹ mình.

Sau những cú đánh như trời giáng của anh Vinh, chị Lý ngã xuống sàn trong khi tay vẫn đang bế con nhỏ.

“Tiếp xúc với hàng nghìn ca tư vấn về hôn nhân, cá nhân tôi nhận thấy quan điểm về hôn nhân của thế hệ trẻ ngày nay cũng khác so với thế hệ trước khá nhiều. Trước hết, thế hệ trước có sự cam chịu rất lớn, và chủ yếu là người phụ nữ; còn ngày nay giới trẻ có xu hướng sống cho bản thân hơn. Thứ hai là trách nhiệm, thế hệ trẻ ngày nay nhìn nhận điều này thoáng hơn rất nhiều, họ không bị ràng buộc quá nhiều bởi con cái, hay gia đình nữa. Bên cạnh đó là vấn đề dư luận xã hội, ngày nay xã hội nhìn nhận chuyện ly hôn không còn nghiêm trọng như trước đây, đây cũng là một lý do khiến những câu chuyện buồn như trên dễ dàng được đưa ra ánh sáng”, ông Thắng nói.

Chồng giận thì vợ bớt lời, cấp thiết phải nhờ công an

Theo chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, hai người yêu nhau và kết hôn, bản chất hai người chính là hai phương tiện cùng mang đến cho nhau hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều cặp bắt đầu với hạnh phúc nhưng điểm kết lại là đau khổ. Phần lớn do chưa có sự chuẩn bị trước những kiến thức làm vợ, làm chồng cho một cuộc hôn nhân. Do vậy, trước khi kết hôn, ngoài việc tìm hiểu kỹ sở thích cá nhân của đối phương thì các bạn trẻ có thể đăng ký để được tư vấn tiền hôn nhân, giúp vợ chồng có thể đưa được ra những nguyên tắc sống với nhau trước khi bắt đầu.

Còn chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân đưa ra lời khuyên: “Chồng giận thì vợ bớt lời” là lời khuyên của ông bà trong những tình huống vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Người vợ thay vì “ăn miếng trả miếng”, “đổ thêm đầu vào lửa” thì nên giữ bình tĩnh và hạ nhiệt hành vi bạo lực có thể xảy ra. Đợi đến khi cả hai tâm bình khí hòa thì cùng ngồi xuống nói chuyện, tìm cách giải quyết vấn đề vẫn chưa muộn.

“Nhớ rằng bạo lực không bao giờ là “ổn”, là “bình thường”. Trường hợp người chồng thường xuyên gặp vấn đề trong việc kiểm soát cơn giận, hãy cân nhắc tìm chuyên gia tâm lý để được tư vấn giúp đỡ.

Nếu nỗ lực cứu vãn, nhường nhịn không thành công thì người vợ không nên tiếp tục chịu đựng, bao che cho hành vi bạo lực của chồng. Hãy gọi ngay đến đường dây nóng của cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em hoặc công an nếu bạn đang bị bạo hành hoặc chứng kiến người thân quen bị bạo hành, chứ không nên trì hoãn cho đến khi quá muộn”, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói.

Sau cánh cửa ngôi nhà 5 tầng rộng lớn là mấy mươi năm đau khổ“Trong vai trò là chuyên gia tâm lý, tôi từng tham vấn cho một trường hợp liên quan đến bạo hành gia đình thế này. Người chồng là một lãnh đạo cấp cao, vợ là giáo viên.Nhìn bề ngoài, vợ chồng rất xứng đôi vừa lứa và hạnh phúc, nhưng mấy ai biết đằng sau cánh cửa ngôi nhà 5 tầng rộng lớn là mấy mươi năm đau khổ, đong đầy nước mắt của nguời phụ nữ có chồng chỉ thích dùng nắm đấm để nói chuyện.Người vợ cũng vì thương con, vì danh dự sự nghiệp của chồng phải cắn răng nhẫn nhịn chịu đựng. Tuy nhiên, việc thường xuyên chứng kiến cảnh bố chửi mắng, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với mẹ khiến những đứa trẻ lớn lên trong sự ác cảm với bố.Năm 14 tuổi, cậu con trai gọi riêng mẹ ra đầu ngõ khuyên mẹ ly hôn đi cho đỡ khổ, nhưng người mẹ chỉ lắc đầu nước mắt chảy ngắn chảy dài. Cực lực phản đối hành động bạo lực của bố đối với mẹ là thế, ấy vậy mà đến khi lập gia đình, cuộc hôn nhân của anh nhanh chóng tan vỡ cũng bởi nguyên nhân anh lặp lại bố mình khi có hành vi bạo hành người phụ nữ đầu ấp tay gối”.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân