Hai hôm trước chị Phan Hoài Nam, 36 tuổi, ở TP HCM chia sẻ bức “Thư gửi vợ của chồng cũ” lên trang cá nhân khiến nhiều người khá bất ngờ và xúc động.
“Sau kỳ nghỉ dài của con, mẹ nhắn tin cảm ơn cô Vân. Nhưng từng đó không đủ để nói về vợ của ba con”, Hoài Nam, phóng viên một tờ báo ở phía Nam, viết trong phần mở đầu lá thư.
Vợ chồng chị đã ly hôn. Chồng chị đã lập gia đình với người khác và mới có con. Bé Bin – con chung của hai người – vừa được “biệt phái” về Vũng Tàu thăm gia đình mới của ba. Cảm nhận được tình cảm của vợ mới của chồng (cô Vân) với con trai mình và đặc biệt là tình cảm của cậu bé với đứa em cùng cha khác mẹ, chị Nam đã viết những dòng này.
“Mẹ cảm ơn cô không phải vì con xuống chơi dài ngày được cô và ba đưa đi chơi, đi biển, mua đồ… ngay khi cô vừa sinh em bé. Mẹ cảm ơn cô vì những điều cô vun vén cho con mà mẹ không thể nào ngờ tới…”.
Người ta thường nghĩ ly hôn là một sự thất bại, khi gây ra đổ vỡ mối quan hệ vợ chồng, những đứa trẻ không được hưởng đầy đủ tình yêu của cha mẹ. Song, cũng có những cuộc ly hôn “hạnh phúc”, khi người đàn ông, đàn bà tìm được người mới phù hợp, còn những đứa trẻ tránh được một bầu không khí gia đình ngột ngạt và “đầy thù hận, độc hại”. Chị Phan Hoài Nam thuộc trường hợp thứ hai.
Chị và chồng cũ yêu nhau 6 năm trước khi cưới và quyết định ly hôn khi con mới 6 tháng tuổi. Hôn nhân của họ đổ vỡ không vì bất kỳ tác nhân nào bên ngoài. “Tính cách chúng tôi đều theo kiểu bản năng, tự do, lúc yêu thì rất hợp, nhưng về sống chung thì xung đột liên miên. Khi có con, mâu thuẫn càng bộc lộ rõ và không thể dung hòa”, chị Nam chia sẻ.`
Năm năm trước, lúc sinh bé Bin xong chị về quê nghỉ, trong đầu hầu như “không còn tồn tại chồng nữa”. Mỗi lần chồng về thăm, hai người có nói chuyện cũng là cãi vã, đôi co xung quanh chuyện chăm nuôi con. Những lúc như vậy, ba Bin lại gào lên: “Thế này làm sao sống nổi với nhau nữa?”. Anh in ảnh cưới, ảnh thời yêu nhau để trong phòng ngủ và xung quanh nhà, như một động thái níu giữ. Song chị Nam nhận ra “anh muốn níu giữ một gia đình, chứ không phải vì còn tình cảm”.
Mẹ chồng ở nước ngoài về để hòa giải, tuy nhiên sau nửa tháng thấy hai người như “sao hỏa sao kim” cũng đành thở dài: “Hai đứa tự quyết định đi”.
Cuối cùng, Nam và chồng cũ đi đến thống nhất khi không còn tình cảm, không còn nâng niu thì chia tay là giải thoát cho cả hai. Trước khi tách ra, họ cùng ngồi lập 10 nguyên tắc hậu ly hôn để con trai được hưởng tình yêu của cha mẹ nhiều nhất. Trong đó có các nguyên tắc không hề giấu con việc ly hôn; mỗi tuần ba đến thăm con ít nhất nhất một lần, đưa đón con đi học ít nhất 2 lần, duy trì bữa ăn chung 3 người ít nhất một lần…
Bin sống với mẹ còn việc nuôi dạy là của cả hai. Để tiện cho việc chăm sóc con, chị Nam mua nhà gần nhà cũ. Dạo mới chuyển nhà, chưa kịp mua máy giặt, ba của bé Bin hay qua thu gom quần áo mang về giặt, phơi khô rồi mang sang. Hàng tuần, anh trợ cấp thực phẩm, quần áo để “lấy cớ” được gặp con nhiều hơn, bên cạnh những lịch cố định. Dần dần, bé Bin hiểu được ba mẹ là hai nhà. Những hôm ba đến, khi về cu cậu cũng tiễn ba ra thang máy, dặn ba đi đường cẩn thận.
“Làm mẹ, tôi có thể sai lầm với con rất nhiều thứ nhưng chắc chắn không phạm phải sai lầm lừa dối, giả tạo với con. Đứa trẻ xứng đáng được thụ hưởng cảm xúc chân thật nhất trước hết ngay trong nhà mình”, chị Hoài Nam quan niệm.
Trong “thư cảm ơn vợ của chồng cũ”, ngoài việc cảm kích vì cô đã chăm chút cho Bin, đâu đó chị Nam còn cảm ơn vì nhờ quen cô Vân mà ba của Bin trở nên hào sảng, nhiệt tình, đầy năng lượng, không còn là ông bố ủ dột như trước. Bạn bè của chị Nam ai cũng nói bé Bin may mắn vì có ba quá cuồng con. Nhưng chị lại nhấn mạnh “Bin may mắn vì vợ của ba tạo mọi điều kiện để ba yêu con”.
“Một người rất ít khi thể hiện tình cảm như ba Bin nhưng đã bộc bạch về cô Vân khi mới quen: ‘Từ trước đến nay, anh chưa từng tự nguyện ràng buộc đời mình với ai. Cho đến khi gặp em, trong mơ, anh cũng ước được gọi em là vợ’. Tôi hiểu rằng ba Bin đã tìm được một bến đỗ phù hợp với mình”, chị Hoài Nam chúc phúc cho ba của con mình và cô Vân vì họ xứng đáng.
Chung suy nghĩ như chị Hoài Nam, chị Thu Ngân, 38 tuổi, Hà Nội, cũng không cố níu kéo một tổ ấm đã rỗng từ bên trong.
Chị và chồng cũ gặp nhau đúng thời điểm đến tuổi dựng vợ gả chồng nên kết hôn sau 5 tháng hẹn hò. “Thời gian chúng tôi yêu quá ngắn nên không có một sự kết nối sâu sắc. Có thể người khác dễ chấp nhận mối quan hệ như thế, nhưng với tôi, giống như tháp nhu cầu Maslow, khi người ta đủ đầy rồi thì yêu cầu sâu sắc hơn về kết nối tình cảm”, chị Ngân, bà chủ một hệ thống chăm sóc sắc đẹp ở Hà Nội và TP HCM, nói.
Tính cách Thu Ngân nhiệt huyết và không ngừng đặt mục tiêu ngày sau tốt hơn ngày trước. Trái lại chồng cũ là người trầm tính. Khoảng 3 năm sau khi kết hôn, hai vợ chồng cứ xa nhau dần. Đã vài lần Ngân chủ động cải thiện mối quan hệ bằng việc rủ chồng đi du lịch hay tham gia các buổi “người xây tổ ấm”… Nhưng rốt cuộc, chồng không có sự cố gắng, còn bản thân Ngân thì quá nôn nóng. “Nếu còn yêu, còn cần nhau thì có mâu thuẫn sẽ giải quyết. Đằng này chúng tôi chán nhau chẳng muốn nói chuyện nữa”, chị chia sẻ.
5 năm sống trong cuộc hôn nhân lạnh, tới một ngày Thu Ngân nói với chồng: “Em không thể chấp nhận cuộc đời như thế này 50 năm nữa được. Em đề nghị chúng ta có cuộc sống riêng. Khi tìm được người đàn ông, đàn bà của mình thì chúng ta chia tay”. Chồng chị chấp thuận.
“Ngày tôi có người mới, anh đưa tôi ra Hồ Tây nói ‘rất biết ơn em đã sinh cho anh hai đứa con. Chúng ta kết thúc ở đây’”, Ngân kể về cuộc chia tay nhẹ nhàng 2 năm trước. Họ thậm chí còn làm một bữa tiệc ly hôn cảm ơn hai bên gia đình, cảm ơn lẫn nhau vì quãng đường đã đi qua.
Kể từ lúc đó, hai người theo đuổi công việc và cuộc sống riêng. Lúc biết chồng cũ có bạn gái, Ngân mừng và cảm giác được “giải thoát”. “Bởi vì xem anh như người thân, trong khi mình có người mới mà anh chưa có nên thời gian trước tôi đã rất áy náy”, chị chia sẻ thêm.
Hiện tại Ngân mua nhà cạnh nhà cũ, để chồng cũ tiện thăm nom và cũng tiện cho hai con gần gũi với các em của chúng sau này. Chị với chồng cũ vẫn “bắn tiền” cho nhau khi cần, gọi anh khi cái nhà cho thuê hỏng hóc, thậm chí cả 4 người lớn và hai con ngồi ăn chung bữa cơm.
Tất nhiên chuyện ly hôn không thể tốt đẹp nếu lũ trẻ không ổn. Hai con của chị Thu Ngân khá đặc biệt. Lúc con trai lớn mới 6 tuổi, thấy bố mẹ cãi cọ, cậu bé buông một câu khiến cả hai đều sốc: “Không yêu nhau nữa thì bỏ nhau đi, sao phải cố sống với nhau”. Và chính cậu bé này khi sau khi bố mẹ có người mới đã nói: “Nếu bố mẹ không hạnh phúc với những người mới này thì có thể bỏ tìm người khác”.
Sự hiểu chuyện của hai đứa trẻ, theo người mẹ không phải tự nhiên mà có. “Do tôi và chồng cũ hòa thuận, năng lượng tích cực từ phía người lớn mới tạo ra cho các con năng lượng tích cực như thế”, chị nói.
Thay vì ở với bố mẹ suốt ngày cãi nhau thì giờ chúng được 4 người quan tâm. Bạn trai chị Ngân thường đưa đón chúng đi học, đưa đi viện khi ốm. Bạn gái chồng cũ còn chăm sóc hai bé hơn cả mẹ đẻ của chúng.
Hôm Tết Trung thu, Thu Ngân đi công tác bay về tối. Bước xuống sân bay, cả chồng cũ, bạn gái của anh và 2 đứa con đã đứng sẵn bên ngoài đón. “Cảm giác lúc đó ấm áp vô cùng”, chị nói.
Khi cuộc hôn nhân đến hồi kết, mỗi người đều mang trong mình vết thương lòng, ở hoàn cảnh như vậy không mấy ai giữ được sáng suốt cần thiết. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo một số lời khuyên của chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) để có thể xử lý chuyện ly hôn êm đẹp, giảm thiểu sự ảnh hưởng đến con cái:
– Hãy để quá trình ly hôn diễn ra trong sự riêng tư nhất có thể. Ưu tiên chăm sóc sức khoẻ tinh thần, những tổn thương tâm lý mà bạn và con trẻ có thể gánh chịu trong thời điểm khó khăn này. Không thay đổi tình trạng hôn nhân trên tài khoản mạng xã hội cho đến khi có phán quyết cuối cùng của tòa án để tránh những ý kiến trái chiều vô tình khiến sự việc trở nên ầm ĩ, phức tạp.
– Không nói xấu người cũ là một quy tắc quan trọng trong văn hoá ly hôn hậu chia tay. Khi không thể hàn gắn, chung sống với nhau nữa, ai đúng ai sai đã không còn quan trọng, hãy cư xử với nhau bằng phép lịch sự.
– Việc quan trọng không kém trong ly hôn chính là vấn đề tài sản. Hãy tìm cách trao đổi, thoả thuận phân chia tài sản sao cho công bằng, hợp tình, hợp lý. Việc tính toán, tham lam trong phân chia tài sản khi ly hôn hoặc dùng biện pháp kinh tế để trả đũa nhau chỉ làm cho chút tình nghĩa còn sót lại tan biến và có thể dẫn đến hậu quả những cuộc tranh cãi, đấu tố không hồi kết.
– Dù cho việc ly hôn có xảy ra thì những đứa trẻ nên được đối xử tốt trong mọi hoàn cảnh. Giảm bớt cái tôi cá nhân để tìm tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con. Giúp nhau gìn giữ hình ảnh đẹp trong mắt con là rất quan trọng. Hãy thống nhất quan điểm, dù cuộc hôn nhân của bố mẹ không thành công thì tình yêu thương, quan tâm của bố mẹ dành cho con không bao giờ thay đổi.
Phan Dương