Vợ chồng Trang Nhung 30 tuổi, Quân 34 tuổi, ở thành phố Bình Dương, kết hôn được bốn năm. Trước đại dịch, họ có cuộc sống khá êm ấm hạnh phúc nhưng những đợt phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài khiến hôn nhân của họ đã trở nên cay đắng.
Khi ấy Nhung vừa hết thời gian nghỉ thai sản đi làm lại không bao lâu thì dịch bệnh bùng phát trở lại tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong thời gian đợi phủ vaccine lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được ban hành ở mức độ cao nhất. Thế là cả hai vợ chồng đều phải làm việc tại nhà. Nhung là quản lý chi nhánh một công ty siêu thị điện máy, mặc dù công việc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh tuy vậy cô vẫn nhận được 80% tiền lương tạm đủ trang trải sinh hoạt cơ bản cho gia đình. Phần Quân làm bên lĩnh vực bất động sản thị trường đối mặt với tình cảnh ảm đạm chưa từng có. Giá nhà đất giảm sâu, người mua vắng bóng…nhiều tháng nay anh không có một phiên giao dịch nào. Với một người năng động, bận rộn như Quân thì cuộc sống giãn cách ở nhà thật sự không dễ dàng thích nghi.
Ngược lại với Quân, khi thành phố Bình Dương bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, Nhung có suy nghĩ rằng ” Ồ, nhìn về khía cạnh tích cực đây chẳng phải là chuyện tốt hay sao! Bình thường chồng cô vốn rất bận rộn thường xuyên phải đi công tác. Hôm kỷ niệm ngày cưới cũng ở mãi tận Quảng Ninh không về được. Thôi thì thời gian này xem như là nghỉ phép vậy, mọi người có nhiều thời gian ở bên nhau hơn…” Thế nhưng diễn biến thực tế lại quá khác xa so với những gì cô tưởng tượng lúc ban đầu.
Ngòi nổ của vụ việc bắt đầu từ tranh cãi những chuyện nhỏ nhặt như ai nấu cơm, dọn nhà, rửa bát, trông con…Lâu nay công việc nội trợ, chăm sóc con nhỏ chủ yếu là Nhung chu toàn, và có mẹ chồng hỗ trợ. Dịch giã, bà về quê có việc rồi không quay lại thành phố được thế là mọi thứ rối beng. Ban đầu Nhung cũng cố gắng tìm cách phân chia mọi thứ sao cho hợp lý, Quân không từ chối nhưng do không quen làm việc nhà nên cứ đụng đâu hỏng đấy, cơm thì quên bật nút nấu, quần áo con nôn trớ thì cho vào máy giặt chung với các đồ khác, ngay cả việc thay bỉm cho con anh cũng…lóng ngóng.
Cực chẳng đã Nhung đành phải gắng làm hết. Nhưng vừa chăm sóc con, vừa làm việc online, vừa lo cơm nước, dọn dẹp đó thật sự là một thử thách. Nói về công việc của Quân thời gian này gần như đóng băng, cả ngày anh cứ cắm mặt vào điện thoại xem Tiktok hay chơi game trong khi Nhung đầu tắt mặt tối không có lúc nào được nghỉ ngơi. Cô trở nên dễ cáu kỉnh, thái độ lạnh nhạt với chồng. Không khí gia đình như quả bom hẹn giờ chực chờ bùng nổ.
Buổi sáng đầu tuần, Nhung nhờ chồng trông con để tham gia cuộc họp trên Zoom. Giữa chừng nghe thấy tiếng con khóc không dứt khiến Nhung không thể nào tập trung, sốt ruột cô chạy lên thấy con tè ướt hết bỉm khó chịu nên quấy còn Quân thì vẫn thản nhiên đánh game. Mọi thứ như giọt nước tràn ly Nhung lao đến tắt màn hình máy tính của chồng vừa chửi bới, gào khóc nức nở. Quân bực bội gạt tay vợ ra rồi bỏ qua phòng khác. Cơn giận lên đến đỉnh điểm, Nhung đuổi theo tìm tờ giấy đăng ký kết hôn vò nát quăng trước mặt Quân rồi tuyên bố:
-Tôi chịu đựng anh đủ rồi, cảm thấy không sống chung được nữa thì ly hôn đi!
Tuy vậy, sau khi bình tĩnh hơn Nhung cũng nhận thấy bản thân hành xử nóng nảy cô chủ động đề nghị chồng cùng đặt hẹn tư vấn tâm lý Hôn Nhân Gia Đình để tìm giải pháp cho vấn đề của vợ chồng. Đây cũng là một trong rất nhiều trường hợp cặp vợ chồng đang phải vật lộn để duy trì tổ ấm mà chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân ( Hà Nội) tiếp nhận tham vấn trong thời kỳ dịch bệnh.
Sau khi lắng nghe câu chuyện, và tiến hành kiểm tra thăm khám sức khỏe tâm lý của Nhung chuyên gia Hoàng Hải Vân nhận định Nhung có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm. Việc phải ở nhà nhiều ngày liền trong thời gian giãn cách, tách biệt cuộc sống xã hội, và công việc tác động rất lớn đến tâm lý của mọi người. Bên cạnh những bất an vì dịch bệnh, lo lắng kinh tế, một thách thức khác mà các cặp vợ chồng đang phải đối mặt là gánh nặng chăm sóc gia tăng do các biện pháp kiểm dịch không dùng thuốc và các tình huống trẻ con phải ở nhà.
Thường thì cuối cùng là người phụ nữ luôn phải quán xuyến một số lượng công việc lớn hơn, như trường hợp của Nhung dẫn đến bị quá tải, rối loạn cảm xúc. Khi tâm lý bất ổn như vậy, bất cứ va chạm nào cũng có thể khơi mào cho xung đột xảy ra.
-Tình huống này giống như vợ bạn đang đứng trên một chân và cô ấy dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể của mình lên chân đó. Sau thời gian nhất định, mọi thứ trở nên quá tải dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Kết quả cô ấy cảm thấy tức giận và trút giận lên bản thân và cuộc hôn nhân của mình vì điều đó.
Chuyên gia Hoàng Hải Vân trao đổi với Quân và khuyến nghị điều đầu tiên Nhung cần phải làm là điều chỉnh thời gian cho công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, mỗi ngày dành tối thiểu 40-60 phút để tập thể thao như đi bộ, chạy bộ, tập Yoga hoặc tham gia bất kỳ môn thể thao nào phù hợp trong thời gian này…kết hợp với tắm nắng vào buổi sáng sớm để phóng thích các hocmone Endorphin, Serotonin…có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.
Đề cập đến sự cân bằng, chuyên gia nói thêm, việc quản lý cảm xúc của mình và kiên nhẫn đối với người bạn đời cũng rất quan trọng giúp đôi bên điều hướng quá trình phân chia việc nhà và trách nhiệm chăm sóc con trong những ngày dịch bệnh sẽ trở nên suôn sẽ hơn.
Về phần Quân, cuộc nói chuyện với chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân giúp anh nhìn ra được những áp lực mà vợ mình đang phải chịu đựng, cả những thiếu sót ở bản thân trong vai trò là một người chồng, mà cuộc sống quá nhiều bận rộn trước đó đã giúp che đậy các vấn đề. Rời cuộc tham vấn, buổi chiều hôm đó Quân đặt mua chiếc máy rửa bát và robot hút bụi, có cả chức năng lau nhà để giúp Nhung phần nào giảm tải áp lực công việc nhà. Anh cũng chủ động hơn trong việc chăm sóc con, chơi với con. Buổi tối thì thay Nhung cho con ăn đêm để vợ có thể ngủ đủ giấc. Thấy Quân thay đổi, Nhung cũng tỏ ra cởi mở, dễ chịu khi tương tác với chồng. Họ không chỉ tập trung vào giải quyết những vướng mắc bất đồng, mà hơn hết là nổ lực hết sức cùng nhau tạo lập những thói quen tốt như mỗi buổi sáng cùng nhau lên sân thượng tập luyện Dancesport vốn là sở thích trước đây của cả hai vợ chồng. Những trải nghiệm tích cực cùng với nhau giúp cho mối quan hệ vợ chồng Quân gương vỡ lại lành. Đối với Quân còn là học cách sống chậm lại để cảm nhận sự ấm áp, hạnh phúc của cuộc sống gia đình trong những ngày ” ai ở đâu ở yên đó” .
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân