Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc cha dượng, mẹ đẻ bạo hành, xâm hại con đẻ khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân để phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Liên tiếp xảy ra các vụ mẹ đẻ và cha dượng bạo hành, xâm hại tình dục con đẻ trong thời gian vừa qua, chuyên gia đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Các vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra khiến dư luận phẫn nộ là hồi chuông báo động cho thấy tình hình trẻ bị ngược đãi, bạo hành đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.
Đáng lưu ý, trẻ bị xâm hại ngay tại gia đình bởi chính người thân, ruột thịt chiếm tỷ lệ cao. Số liệu thống kê của Bộ Công an từ năm 2015 – tháng 6/2019 cho thấy cả nước đã phát hiện 8.091 trẻ bị bạo hành, xâm hại, trong đó có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục, chiếm 79,4% trên tổng số.
Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, thực tế các vụ được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và chưa thể phản ánh hết thực trạng.
Theo chị đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục.
– Thứ nhất: Đối với gia đình, phần lớn trường hợp trẻ bị xâm hại có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn hoặc bố mẹ có lối sống lệch lạc, phóng túng, mắc các tệ nạn xã hội.
Mặt khác, bố mẹ hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ hạn chế hiểu biết pháp luật, kiến thức giáo dục giới tính, thiếu khả năng nhận thức về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại.
– Thứ hai: Đối với bản thân trẻ, bởi lỗ hổng về giáo dục giới tính từ trong gia đình và nhà trường dẫn đến sự hạn chế trong nhận thức của trẻ về các hình thức xâm hại tình dục.
Trẻ không được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết tự bảo vệ bản thân, thường chỉ biết cam chịu khi bị bạo hành, quấy rối, xâm hại.
– Thứ ba: Đối với xã hội, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục không được phát hiện kịp thời, xử lý đúng mức.
Lực lượng cơ sở phụ trách tuyên truyền về phòng ngừa xâm hại trẻ em còn nhiều bất cập do hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn.
Phần lớn các vụ bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ xảy ra trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Các dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục là gì? Chúng ta cần làm gì để giám sát và ngăn chặn tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục ngay tại gia đình, thưa chuyên gia?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Có tới 3/4 trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục không nói với ai về sự việc đã xảy ra và rất nhiều trong số đó giữ bí mật này suốt cả cuộc đời. 9/10 trẻ bị xâm hại biết thủ phạm là ai. Mối quan hệ giữa trẻ và kẻ xâm hại trẻ càng gần gũi, thì trẻ càng không dám nói ra vụ việc.
Trẻ em thường thể hiện sự lo lắng, bất an của mình thông qua biểu hiện ngôn ngữ cơ thể hơn là nói với chúng ta. Để có thể ngăn chặn, phòng ngừa trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục ngay tại gia đình trước hết cần nâng cao nhận thức cho phụ huynh về vấn đề giáo dục giới tính và kiến thức pháp luật liên quan.
Khi thói quen của trẻ đột ngột thay đổi là có lý do. Bố mẹ cần quan tâm, nhận ra khi con có một số biểu hiện khác thường trước khi quá muộn.
– Trẻ tỏ ra căng thẳng, trở nên kích động hoặc bất chợt im lặng bởi sự xuất hiện của một thành viên trong gia đình, bạn của bố mẹ hoặc người quen của gia đình.
– Trẻ không muốn đi theo, chơi cùng người đó.
– Trẻ co rúm người lại hoặc phản kháng mạnh mẽ khi người này đến gần chúng hoặc muốn bế chúng ôm vào lòng.
– Trẻ đột ngột có những biểu hiện thay đổi. Chúng từng vui vẻ, cởi mở bây giờ lại tỏ ra nhút nhát, ít nói hẳn. Chúng thường thích ăn uống nhưng bây giờ lại bỏ bữa. Chúng từng dễ tính, thân thiện bây giờ lại rất dễ bị kích động. Chúng từng có rất nhiều năng lực bây giờ lại tỏ ra phờ phạc, kiệt sức.
– Trẻ thay đổi thói quen vệ sinh cá nhân như không tắm hoặc đi tắm nhiều lần, bị mất ngủ hoặc gặp ác mộng, tâm lý dễ xúc động, bùng nổ cảm xúc. Bộ phận sinh dục của trẻ có dấu hiệu bị tổn thương hoặc quần lót có vết máu.
Trẻ em thường thể hiện sự lo lắng, bất an của mình thông qua biểu hiện ngôn ngữ cơ thể hơn là nói với chúng ta (Ảnh: TL).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bao gồm nguy cơ trẻ có thể đang bị bạo hành, xâm hại tình dục. Trách nhiệm của chúng ta là phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao, và có phản ứng phù hợp, kịp thời để có thể bảo vệ trẻ.
Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non và tiểu học là điều vô cùng cần thiết và quan trọng giúp trẻ hiểu về quyền cơ thể, biết tự bảo vệ chính bản thân mình khỏi nhiều nguy cơ xấu.
Đồng thời bố mẹ, thầy cô giáo hãy luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc để trẻ có thể tin tưởng chia sẻ nếu con hoặc bạn bè không may là nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục.
– Xin cảm ơn chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân về cuộc trao đổi này!