Ngày nay, hầu hết mọi người đều đã biết rằng các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần là không thể coi thường được và cần có sự hỗ trợ và chữa trị kịp thời. Trong đó căn bệnh phổ biến nhất cũng như biết tới nhiều nhất là trầm cảm.
1. Trầm cảm không chỉ dừng lại ở cảm giác buồn bã
Tất cả mọi người trên thế giới đều từng cảm thấy buồn ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, đồng thời điều này cũng không chỉ gặp ở những người trẻ tuổi và những người đang trong độ tuổi chập chững ra trường đi làm, gặp các vướng mắc xã hội và cuộc đời. Tuy nhiên, trầm cảm là một căn bệnh nghiêm trọng hơn việc chỉ cảm thấy buồn bã rất nhiều. Trầm cảm là khi họ cảm thấy buồn liên tục, buồn không có nguyên nhân, kéo dài và trầm trọng đến mức cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng vật lý như chán ăn, mất ngủ, mất tập trung và thiếu năng lượng. Nếu triệu chứng kéo dài quá 2 tuần thì bạn gần như đã bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của căn bệnh trầm cảm.
2. Đôi lúc nói chuyện với bệnh nhân về trầm cảm là không đủ
Nói chuyện với bạn bè và gia đình là một cách tuyệt vời để đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời cũng là cách tốt để giúp giải tỏa tâm lý cho người mắc trầm cảm. Tuy nhiên nhiều lúc trò chuyện về vấn đề này trở nên phức tạp hơn thế. Trầm cảm là một bệnh thường đòi hỏi phải điều trị từ các chuyên gia được đào tạo để đối phó với nguyên nhân và triệu chứng của nó. Nói về cảm giác của bạn với một người bạn thân thiết hoặc thành viên gia đình đáng tin cậy có thể giúp đỡ trong ngắn hạn, nhưng vẫn là không đủ. Đừng coi thường mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này! Các bác sĩ, nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần có thể cung cấp các phương pháp điều trị và giải pháp dài hạn mà gia đình và bạn bè có thể áp dụng để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
3. Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm là một sự kiện đau buồn sâu sắc ảnh hưởng tới người bệnh như mất người thân thiết hay mất việc làm. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Khoa học đã chứng minh rằng trầm cảm có thể dẫn đến từ một số nguyên nhân khác như di truyền, mất cân bằng hóa học trong não hay những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại hằng ngày. Đó là lý do trầm cảm có thể xảy đến với bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào trong cuộc đời họ.
4. Việc giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm có thể gặp nhiều khó khăn
Trầm cảm có thể làm cho một người cảm thấy hoàn toàn bất lực và mất toàn bộ năng lượng để cầu cứu ai đó giúp đỡ. Do đó khi bạn cảm thấy một người có những dấu hiệu của trầm cảm, bạn nên chủ động đề nghị được giúp đỡ hoặc đưa ra các lời khuyên về chuyên gia, các trung tâm tư vấn trị liệu. Nếu họ không thể tự mình tới các trung tâm tư vấn hay bác sĩ, hãy nói chuyện với những người lớn, những người có trách nhiệm với họ. Đặc biệt khi bệnh nhân còn nhỏ tuổi như ở độ tuổi vị thành niên, các em chưa ý thức được hết mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này càng cần sự giúp đỡ của bạn hơn bao giờ hết.
5. Có rất nhiều phương pháp trị liệu căn bệnh này
Tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng thì ngày càng có nhiều nghiên cứu quan tâm tới căn bệnh này và các phương pháp trị liệu xuất hiện ngày càng nhiều hơn nữa. Đối với trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, lựa chọn điều trị hàng đầu phải là liệu pháp tâm lý. Còn đối với mức độ nặng hơn thì các bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc điều trị trầm cảm. Do căn bệnh này cần điều trị dài hạn, bạn nên lựa chọn một bác sĩ mà người bệnh cảm thấy đủ tin tưởng và hòa hợp, duy trì tốt phương pháp trị liệu để đạt được kết quả tốt nhất.
6. Chẳng ai có thể “chọn” được việc mình bị trầm cảm hay không
Chẳng ai “muốn” mắc trầm cảm cả. Nếu bạn nói với một người mắc trầm cảm rằng: “Cố gắng kiểm chế nó lại đi.” thì có thể gây hại nhiều hơn là lợi ích. Vì chẳng ai muốn có nó, và nếu họ có thể kiềm chế lại chắc chắn họ sẽ làm. Trầm cảm cũng như ung thư vậy, chẳng ai “chọn” được việc mình bị mắc bệnh cả. Trầm cảm có thể được điều trị với sự giúp đỡ đúng đắn từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần; tuy nhiên, sự phục hồi cần có thời gian. Hãy an ủi những người bệnh rằng, căn bệnh này không phải là lựa chọn của họ và nó sẽ qua đi thôi, nếu như họ tuân thủ đúng liệu pháp điều trị.
7, Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuốiNiềm tin rằng trầm cảm là một dấu hiệu của sự yếu đuối là một quan niệm vô cùng sai lầm. Trầm cảm có thể xảy đến mọi người với tính cách khác nhau, ngay cả những người được cho là “mạnh mẽ” trước đó. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phá vỡ sự kỳ thị xung quanh bệnh tâm thần và nhất thiết phải củng cố thực tế rằng trầm cảm và các bệnh tâm thần khác không phải là kết quả của việc thiếu ý chí hay yếu đuối nói chung. Nó là một căn bệnh, và bệnh thì có thể xảy đến với bất cứ ai và cần sự điều trị kịp thời.