Nội dung

Phỏng vấn chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân chủ đề Trầm cảm và những nguy hại khôn lường

Ngày đăng: 15/04/2022
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân

Chuyên gia tâm lý cho rằng, trầm cảm khiến bệnh nhân thường xuyên có những suy nghĩ, hành động bi quan dù thực tế mọi việc không đến mức độ tiêu cực. Thậm chí căn bệnh này còn là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát hoặc làm tổn thương người khác.

Trầm cảm – nguy hại khôn lường

Thời gian qua, hàng loạt các vụ tự tử mà nguyên nhân dẫn đến hành động đáng tiếc này được xác định là bệnh nhân có dấu hiệu bị trầm cảm khiến nhiều người lo lắng. Làm thế nào để nhận biết người thân bị trầm cảm và giải pháp để vượt qua giai đoạn này là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết, bệnh trầm cảm (tiếng Anh: major depressive disorder) là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp.

Theo chuyên gia tâm lý này, những biểu hiện điển hình của chứng trầm cảm là khí sắc bị rối loạn trở nên buồn bã, u ám, tâm trạng ủ rủ, bi quan trước mọi việc, thậm chí suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử khi trầm cảm ở giai đoạn cuối, thường hay nổi giận, cáu gắt vô cớ…

“Người bệnh cảm thấy cạn kiệt năng lượng không muốn làm gì, giảm hứng thú quá mức (kể cả với những hoạt động yêu thích) và tình trạng kéo dài trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng”, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói.

Ngoài ra, các dấu hiệu nhận biết khác đó là người bệnh thường tự cô lập mình, tách biệt với mọi người, né tránh các hoạt động thể dục thể thao và những nơi đông người.

Dấu hiệu trầm cảm ở nam giới có thể bao gồm hành vi có khuynh hướng bạo lực hoặc lạm dụng chất gây nghiện như ma tuý và rượu hoặc chứng nghiện hành vi như cờ bạc… Một số thay đổi bất thường về thói quen ăn uống và hệ tiêu hóa cũng là điều cần lưu ý.

Đánh giá những nguy hại đối với sức khỏe có thể gặp phải khi bị trầm cảm, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng bệnh trầm cảm luôn là căn bệnh gây ám ảnh với nhiều người.

“Nếu không được phát hiện kịp thời, trị liệu đúng cách bệnh có thể diễn biến phức tạp dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Trầm cảm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, để lại những tổn thương tâm lý nặng nề cũng như đối với sức khoẻ thể chất”, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cánh báo.

Tram-cam03

Bên cạnh đó, trầm cảm khiến cho người bệnh có xu hướng thu mình lại, thích ở một mình. Người bệnh hầu như bị mất khả năng kết nối xã hội, thậm chí với cả những người thân, gây nguy cơ rạn nứt tình cảm gia đình. Trầm cảm khiến bệnh nhân thường xuyên có những suy nghĩ, hành động bi quan dù thực tế mọi việc có thể vẫn diễn biến tốt đẹp hoặc không đến mức độ tiêu cực như vậy.

Người bị trầm cảm rất dễ lạm dụng các chất gây nghiện như rượu, bia, ma tuý. Các chất này khi vào cơ thể theo các đường khác nhau như tiêm, hít, uống… đều có đặc điểm chung là gây kích thích, cảm giác sảng khoái hưng phấn tạm thời cho người bệnh. Lâu dần dẫn đến tình trạng phụ thuộc, nghiện ngập, né tránh việc trị liệu tâm lý và làm gia tăng các vấn đề phức tạp trong xã hội.

Hầu hết người bị trầm cảm cho rằng bản thân là gánh nặng của gia đình, người thân. Việc suy nghĩ quá mức cần thiết về mọi vấn đề bao gồm cả việc tích cực lẫn tiêu cực, việc quan trọng lẫn không quan trọng khiến tâm trí họ không thể ngơi nghỉ.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân đánh giá: “Trầm cảm trong diễn biến xấu nhất có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát hoặc làm tổn thương đến người xung quanh khi bệnh nhân ở trong trạng thái hoang tưởng không làm chủ được hành vi của mình”.

Làm cách nào để vượt qua trầm cảm?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết, hiện nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất gây ra bệnh lý trầm cảm, có thể do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân.

Dựa vào các triệu chứng của trầm cảm chúng ta có thể nêu lên một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Yếu tố di truyền: Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, ADN cũng là tác nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Ở những gia đình có bố mẹ, người thân bị mắc bệnh trầm cảm thì nguy cơ con cái mắc bệnh sẽ cao hơn gấp 3 lần người bình thường và chiếm đến 40% tỷ lệ người bị trầm cảm.

Tram-cam04

Sự biến đổi Hormone: Theo nghiên cứu của Bác sĩ Wendy Marsh – Khoa Tâm thần, Đại học Y Khoa Massachusetts, hormone Estrogen với thành phần chính là Estradiol được sản sinh trong nhiều năm ở phụ nữ có tác động đến serotonin – một chất trong não bộ có liên quan đến trạng thái trầm cảm và tâm trạng của phụ nữ, đặc biệt trong những tuần hoặc vài tháng sau khi sinh (sau sinh) đối với phụ nữ sinh nở và các vấn đề về tuyến giáp, tiền mãn kinh hoặc một số bệnh lý khác.

Sang chấn tâm lý: Tạm hiểu là tổn thương tâm lý sau khi trải qua một/hoặc liên tiếp các sự kiện kinh hoàng hoặc đau khổ vượt quá khả năng chịu đựng, chống đỡ của nạn nhân được xem là nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm và hàng loạt các rối loạn tâm thần khác.

Những chấn thương não bộ hoặc các bệnh lý thể chất nghiêm trọng như ung thư hoặc bệnh tim, mất khả năng sinh sản…hoặc có tiền sử mắc các chứng rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương cũng có thể gây ra trầm cảm.

Việc lạm dụng chất kích thích như bia rượu, ma tuý sẽ gây ra những hệ lụy không lường cho não bộ. Phần lớn người lạm dụng đều có thể bị trầm cảm và các vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng khác, nguy hiểm hơn cả là trầm cảm hoang tưởng dẫn đến tự sát.

Do đó, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết, khi phát hiện các triệu chứng trầm cảm của chính mình hoặc bạn bè, người thân trong gia đình hãy liên hệ thăm khám chuyên khoa sớm nhất để được tư vấn, trị liệu tâm lý phù hợp.

“Trên hết, người bệnh cần được sự quan tâm và đồng hành của gia đình, người thân cùng với bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có thể đảo chiều vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực của bệnh trầm cảm nhằm đề phòng diễn tiến thành trầm cảm giai đoạn cuối, khi sức chịu đựng không còn nữa, người bệnh chỉ còn một lựa chọn là kết thúc nổi đau đó bằng cách tiêu cực nhất…”, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân khuyến cáo.

Tram-cam02

Hải Nam