Khi Trung (Hà Nội) nói: “Anh yêu đàn ông”, vợ anh còn tưởng chồng nói đùa, bị bệnh, bị lôi kéo…
Một đêm muộn đầu tháng 11 vừa qua, Trung, 30 tuổi, trưởng phòng một công ty về vật liệu xây dựng, đánh thức vợ dậy. Người vợ mới mang bầu 3 tháng, đang ôm con gái 5 tuổi, ngái ngủ, nhưng nhìn thấy khuôn mặt ấp úng của chồng, cô chột dạ nhớ lại những biểu hiện lạ của anh những ngày qua sau chuyến đi chơi xa về, liền vội vàng trở dậy.
Cuộc thú nhận đêm đó chìm trong nước mắt của cả hai: “Anh là gay. Anh yêu đàn ông. Anh bảo đi Sài Gòn gặp bạn, thực ra là đi gặp bạn tình. Anh yêu cậu ấy…”.
Trung quê Hải Dương. Từ lúc dậy thì, trong cậu đã có những cảm giác lạ lùng với bạn cùng giới và khác giới. “Có những thời điểm tôi có tình cảm với người bạn nam nào đó, rồi có lúc lại cảm mến một bạn gái. Ngày ấy tôi rất hoang mang, không hiểu mình bị làm sao”, Trung chia sẻ với VnExpress bằng giọng nói nam tính.
Dần dần anh mới nhận ra mình luôn bị thu hút bởi người cùng giới, còn những cảm xúc với bạn khác giới chỉ là sự ái mộ thoáng qua. Tuy nhiên, không muốn khác biệt với số đông nên Trung vẫn tỏ ra bên ngoài là một nam sinh bình thường. Anh cao ráo, vẻ ngoài khá nam tính, lại học giỏi.
Song, đôi khi càng chối bỏ, bản năng lại càng trỗi dậy. Mỗi ngày Trung vẫn tìm hiểu về xu hướng tính dục của mình và âm thầm hướng ánh mắt đến bạn đồng giới. Khi ra trường, anh đã có mối tình đầu tiên trong đời với một nam sinh kém 3 tuổi.
“Chúng tôi yêu nhau 2 năm thì tan vỡ. Lúc đó cậu ấy ra trường, phải về quê nên chủ động chia tay tôi vì bảo trước sau gì hai đứa cũng phải lấy vợ. Chính vì không thể đối mặt với những định kiến của xã hội, khiến tôi có tư tưởng phải lấy vợ sinh con từ đó”, Trung nói.
Đúng thời điểm này, anh được giới thiệu với Trang, cùng tuổi, cùng quê, làm nhân viên văn phòng trên Hà Nội. Cô cũng vừa chia tay bạn trai lâu năm. Cả hai đều hướng về một mục đích kết hôn nên sau vài tháng tìm hiểu đã quyết định làm đám cưới.
Bước vào hôn nhân, Trung hạ quyết tâm chôn vùi những bí mật của mình để làm một người chồng tốt. Lễ hay ngày đặc biệt nào anh cũng tặng quà cho vợ và đưa cô đi ăn, đi chơi. Lúc ở nhà, anh phụ giặt giũ, nấu nướng, chứ không để cô phải vất vả một mình.
“Tôi có thể tặng quà cho cô ấy nhưng không biết hoặc thấy rất gượng gạo phải nói lời lãng mạn, hay ôm hôn. Những khi có sự thân mật, đụng chạm thì cũng chỉ là trách nhiệm, làm hình thức, chứ không có ham muốn”, Trung kể.
Thương vợ nhưng lại không dành được cho cô tình yêu đúng nghĩa, nên Trung cố gắng bù đắp bằng vật chất. Anh giữ vai trò kinh tế chính, nhưng để vợ giữ tay hòm chìa khóa. Sau 6 năm kết hôn họ cũng đã mua được nhà và xe ôtô. “Tính tôi nóng, nhiều lúc bí bách cảm xúc đã nặng lời với vợ. Nhưng rất nhanh chóng, nghĩ đến thân phận mình, tôi lại thấy có lỗi, liền nhắn tin xin vợ tha thứ”, anh kể thêm.
Mùa hè năm 2018, qua mạng xã hội Trung quen được người đàn ông khiến trái tim mình lạc lối. Tiếp xúc với người đó và cộng đồng đồng tính ở Sài Gòn khiến Trung nhận ra sống trong vỏ bọc làm khổ anh và cả vợ. “Anh như con cá bao lâu nay mắc cạn, nay mới được thở. Anh không muốn sống giả dối, không muốn ở lại gây đau khổ cho em nữa. Chúng mình ly hôn đi”, Trung thổn thức khi nói với vợ.
Trang sốc và không thể chấp nhận sự thật. “Thà anh ngoại tình với phụ nữ, em còn không đau khổ như thế này”, cô nói.
Căng thẳng kéo dài suốt một tháng. Trang nhiều lần thuyết phục chồng đi “chữa bệnh đồng tính” và nhất quyết không ly hôn. “Dù anh là gay, anh không yêu em, em cũng có thể chấp nhận. Chúng ta hãy tiếp tục sống với nhau vì các con”, người vợ níu kéo.
Vì không thể hé lộ chuyện với ai, Trang đã chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý. Qua những phân tích của chuyên gia, cô nhận ra chồng cô không phải “bệnh” hay nhất thời bị rủ rê, cũng không thuộc nhóm người lưỡng tính – bị thu hút cảm xúc cả hai giới – mà anh là người đồng tính bẩm sinh.
“Tôi cố gắng giúp Trang hiểu chuyện xảy ra không đơn thuần là chồng ngoại tình, phản bội lại ân nghĩa vợ chồng. Vấn đề xảy ra còn do tạo hóa đã tạo ra xu hướng tính dục của chồng cô ấy như vậy. Chúng ta không thể thay đổi được sự thật này”, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, người tham vấn cho trường hợp này cho biết.
Trung cũng giúp vợ mở lòng ra với một số người thân, bạn bè khác. Cuối cùng cô nhận ra chia tay là giải pháp tốt nhất cho cả hai. Hai người thỏa thuận sẽ luôn xem nhau là người thân, cùng cố gắng chăm sóc, dạy bảo các con.
Về phần Trung, anh dự định sau khi vợ sinh, con cứng cáp thì sẽ chuyển vào TP HCM sinh sống, nơi xã hội có phần bớt kỳ thị hơn. Toàn bộ tài sản và nhà cửa, anh để lại hết cho vợ. “Công ty tôi có chi nhánh Sài Gòn nên việc chuyển việc dễ dàng. Tôi sẽ trợ cấp cho con hàng tháng và thu xếp về thăm con vào những dịp lễ Tết, những ngày đặc biệt của con”, Trung cho biết về kế hoạch tương lai.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân chia sẻ thêm, vợ chồng Trung mặc dù né tránh lý do thực sự khi ra tòa ly hôn, tuy nhiên đây cũng xem như là một cái kết có hậu.
“Đồng tính, mặc dù là thiểu số nhưng không phải bệnh và chỉ là một xu hướng tính dục bình thường. Quan niệm đúng đắn sẽ giúp cho những người đồng tính có nghị lực và sự tự tin để sống thật với chính mình. Họ sẽ giảm đi mặc cảm hoặc áp lực lập gia đình vì chữ hiếu, hoặc làm bình phong để che giấu giới tính kéo theo những hệ lụy bất hạnh khác cho mình và người bên cạnh”, chuyên gia nói.
Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức nào về số lượng người đồng tính. Nhưng dựa theo kết quả nghiên cứu của Mỹ có từ 3-5% người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) trong dân số thì Viện iSee (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) đã ước lượng có khoảng 1,6 triệu người LGBT ở nước ta, vào năm 2013.
Anh Huỳnh Minh Thảo – Giám đốc tổ chức ICS – tổ chức đại diện cho quyền lợi của cộng đồng LGBT Việt Nam, cho biết, không phải tất cả những người đồng tính nam đều ẻo lả, điệu đà. Thực tế có những người là “gay kín”, rất khó nhận biết vì cử chỉ, giọng nói của họ hoàn toàn như người dị tính nam. Những người gay kín đã lấy vợ, sinh con, không công khai bản thân thì rất khó nhận biết.
Phan Dương